Luyện trí nhớ: Phương pháp lập nhóm.

Lúc ghi nhớ, nếu ta có thể dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của mình để sắp xếp các tài liệu cần nhớ thành từng nhóm, từng nhóm một thì có thể nhớ được nhiều hơn rất dễ dàng. Ta có thể luyện tập ý thức “tìm ra quy luật” trước một vấn đề cần ghi nhớ (tùy theo thói quen của từng người) mà kết hợp với các phương pháp ghi nhớ khác.

Cách “áp đặt trật tự” lên các thông tin để cho dễ nhớ, dễ thuộc là chia thành từng nhóm có ý nghĩa, càng quen thuộc thì càng tốt như sau:

– Thiết kế con số bằng hình ảnh: Thông thường người ta nhớ con số dễ dàng hơn nếu chia nó ra thành từng nhóm hai số. Ngoài ra, trong những con số cần nhớ, bạn hãy kết nối với những con số bạn đã thuộc như ngày sinh hoặc số nhà quen thuộc nào đó. Ví dụ: Một số điện thoại di động bao gồm 10 con số: 0-9-0-3-5-0-7-6-9-5 rất khó nhớ. Lập nhóm các con số thành từng cặp giúp bạn chỉ cần nhớ 5 yếu tố. Đó là: (09-03)-50-76-95. Trong đó, 95 là năm sinh của bạn, 76 là số nhà, 50 là tuổi của bố chẳng hạn….

– Học các bộ môn khác như nhớ các niên đại lịch sử, công thức toán, định luật lý, phương trình hóa… ta cũng có thể vận dụng “phương pháp lập nhóm”: Đem những yếu tố tương đồng, tương tự hoặc tương phản lập thành nhóm, rồi ghi nhớ các nhóm ấy. Như vậy, sẽ nhớ nhanh hơn và lâu hơn so với cách học từng yếu tố riêng rẽ.

– Lập nhóm những điểm giống nhau hoặc có cùng tính chất, lập thành mối liên kết giữa con người, vật thể, hình ảnh và ý tưởng, qua đó mà tăng cường khả năng ghi nhớ tất cả. Ví dụ: để ghi nhớ ngày tháng của các sự kiện lịch sử, bạn có thể liên kết chúng với những những ngày tháng có liên hệ với đời sống cá nhân, hoặc so sánh tương ứng với những con số quen thuộc như sức nặng và chiều cao của bạn.

– Muốn nhớ từ vựng khi học ngoại ngữ, bạn cũng có thể dùng phương pháp lập nhóm: Ghép một số từ riêng rẽ thành một cụm từ hoặc câu có nghĩa, xếp các từ có cùng gốc, cùng tiếp đầu ngữ, tiếp vị ngữ thành nhóm… Nhờ hình thành các mối liên tưởng nên khi học thời gian tốn như nhau nhưng lại nhớ được nhiều hơn, lâu hơn.

– Cũng tương tự như vậy, khi bạn cần phải nhớ chuỗi sự kiện (tư liệu thông tin cần nhớ khá dài), hãy bắt đầu bằng cách thành lập các nhóm. Các nghiên cứu về trí nhớ cho thấy: Bạn sẽ nhớ tốt hơn nếu bạn lập nhóm các sự vật không quá 7 nhóm. Vì thế, bạn cần “áp đặt trật tự”, sắp xếp thông tin thêm lần thứ hai nếu tài liệu cần nhớ khá dài. Chẳng hạn như theo nhóm thứ tự chữ cái, theo các tiêu chí lớn nhỏ, xa gần… Cụ thể là bạn “lập nhóm” nhiều tư liệu ấy thành một “cây trí nhớ” có đầy đủ thân, lá, rể, cành. Trong đó, thân là một nhóm, rể là một nhóm, cành lớn, cành nhỏ v.v… (Lập đề cương).

Tóm lại, nếu “phương pháp lập nhóm” được nắm vững, kết hợp với những phương pháp ghi nhớ khác một cách thành thạo thì chắc chắn nó sẽ giúp đỡ các bạn rất nhiều. Không chỉ trong việc học tập ở trường hiện nay mà còn sẽ rất hữu ích cho công việc và cả cuộc sống sau này của các bạn nữa.

Bình luận về bài viết này