Sáu “bệnh” nhân viên trẻ hay mắc phải

Hiện nay nhiều bạn trẻ được đào tạo kiến thức trong nhà trường nhưng lại không được hướng dẫn kỹ năng mềm để làm việc một cách có kế hoạch. Sau đây là sáu “căn bệnh” mà nhân viên trẻ thường mắc phải khi đi làm dưới mắt các chuyên gia nhân sự.

1. Làm qua loa cho xong việc

Trong thực tế, nhiều bạn trẻ không tận tâm với công việc của mình. Điều này có thể do:

– Không yêu thích công việc đang làm: thường gặp ở những bạn mới ra trường. Do chưa tìm được việc làm phù hợp, họ đã miễn cưỡng nhận công việc dù không đúng sở trường và trong lòng không thích.

– Không tìm hiểu rõ công việc mình sẽ nhận làm: điều này xảy ra khá phổ biến ở giới trẻ mới tốt nghiệp. Do tâm lý e ngại, rụt rè và cũng vì nhu cầu cuộc sống, họ sẵn sàng đảm nhận bất kỳ công việc nào mà họ có cơ hội tiếp cận dù chưa hiểu rõ về công việc đó. Ngoài ra, do sợ bị cười chê, bị cho là thấp kém, họ đã lẳng lặng làm việc mà không tìm hiểu những kỹ năng nào mình cần có để làm tốt công việc.

– Không có tinh thần trách nhiệm, thường đùn đẩy hoặc đổ lỗi cho đồng nghiệp: nhiều bạn trẻ thích công việc của mình nhưng lại không đủ trách nhiệm để thực hiện công việc một cách trọn vẹn. Một số bạn dựa dẫm, ỷ lại vào đồng nghiệp hay cấp trên, để mặc họ hoàn chỉnh nốt phần việc còn lại.

– Không có thói quen làm việc đến nơi đến chốn: thói quen này xuất phát từ tính cách của bạn trẻ trong cuộc sống hằng ngày. Tính cách này nếu được đưa vào áp dụng trong công việc sẽ gây phiền phức và hậu quả nghiêm trọng.

2. Làm việc không có kế hoạch

Bạn trẻ được đào tạo nhiều kiến thức trong nhà trường nhưng lại thiếu phần hướng dẫn kỹ năng mềm để làm việc một cách có kế hoạch. Họ làm việc một cách tùy tiện, không theo một trình tự nhất định mà công việc yêu cầu phải có. Đôi lúc họ nhiệt tình, năng nổ nhưng lại không được việc do đốt cháy giai đoạn và không hiểu được những yêu cầu cần có trong từng giai đoạn công việc cụ thể.

3. Thiếu tầm nhìn tổng thể

Căn bệnh thường gặp ở một số vị trí quản lý trẻ: nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, thường theo chủ quan của mình. Nguyên nhân của tình trạng này là do bạn trẻ mới ra trường, còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thiếu tầm nhìn bao quát xung quanh vấn đề xảy ra.

4. Thiếu khả năng làm việc độc lập, sáng tạo

Điểm yếu này có lẽ xuất phát từ cách giáo dục mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Trong gia đình, khi còn bé, mọi thứ chúng ta phải làm theo lời cha mẹ, không được có ý kiến riêng. Khi đi học, mọi thứ phải trả lời răm rắp theo sách, mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng thay vì nhiều đáp án đúng nếu nhìn ở những góc độ khác nhau.

Khi đi học, chúng ta luôn bị cười chê nếu không trả lời đúng ý thầy cô, sách vở. Những điều này dẫn đến phần lớn chúng ta luôn mong đợi có người/sách hướng dẫn, gợi ý thay vì tự suy xét và quyết định độc lập, sáng tạo.

5. Mức độ linh hoạt chưa phù hợp

Do thiếu kỹ năng sống, một số bạn trẻ loay hoay không biết nên giải quyết vấn đề đặt ra như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất có thể. Một số bạn quá linh hoạt trên mức cần thiết trong khi một số bạn quá tùy tiện, một số bạn lại quá cứng nhắc.

6. Không nâng cao nghiệp vụ

Nâng cao nghiệp vụ có thể được thực hiện qua công việc hoặc qua học hỏi. Nhiều bạn trẻ muốn học lên để nâng cao nghiệp vụ nhưng điều kiện kinh tế không cho phép; một số bạn lại dành thời gian cho hoạt động “ăn chơi nhảy múa” trong khi số khác… lười học. Tất cả đều cản trở quá trình phát triển sự nghiệp của họ.

S.T. (Hà Nội)

Alice, con mèo và câu chuyện “Quản trị Cuộc đời”

Giả sử bạn đang ở tuổi U40 và có thể bạn đang rất thành công hay chưa thành công lắm. Nhưng theo quy luật của tự nhiên, bạn hoàn toàn có thể sống tới tuổi “bát thập”. Vậy bạn sẽ làm gì với với 40 năm còn lại của mình? Liệu có kịp thời gian để làm được những điều mà bạn thực sự mong muốn trong cuộc đời?…

Các học viên “có tuổi” của Trường Quản Trị Cuộc Đời LiMA thường hay chia sẻ với nhau một câu chuyện rất “trẻ con”… Chuyện kể rằng, trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên”, có một đoạn nói về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo.

Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ?
Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ?
Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.
Photobucket
Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người mà không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu!

Sự lúng túng của Alice làm ta chợt giật mình: Vậy đâu là đích đến của cuộc đời mình!?

Thật vậy, nhiều khi chúng ta cứ sống ngày qua ngày, năm này qua năm khác như vậy, mà rất ít khi dành chút thời gian để dừng lại và tự hỏi:

Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu?
Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?
Mình muốn có một cuộc đời ra sao? Làm sao để có một cuộc đời như thế? Cuộc đời mình nên được “quản trị” như thế nào?…

Câu chuyện “Alice và con mèo” nói trên thực chất cũng là một cách tiếp cận gần gũi để chúng ta suy ngẫm về câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng ta. Bạn là ai? Chắc hẳn Bạn không giống như Alice?…

Bạn đã tìm thấy con đường của mình, nhưng bạn vẫn mong muốn “tái cấu trúc”, “sắp xếp lại” cuộc đời để sớm có một cuộc đời thành công hơn và một cuộc sống hạnh phúc hơn?
Bạn tin rằng, Bạn là người tài năng, có khát vọng vươn lên và đã có những thành công trong cuộc sống, nhưng bạn vẫn mong muốn biết cách tối đa hóa hơn nữa giá trị của cuộc đời mình?
Hay Bạn cũng ít nhiều giống như nhân vật Alice trong câu chuyện trên, Bạn còn đang lúng túng chưa biết nên “đi đường nào”?

Tạo cơ hội thành công

Chúng ta thường gặp khó khăn khi phải giao tiếp với một ai mà trước đó chưa từng quen biết, nhất là trong các trường hợp cần tạo cơ hội để thành công như khi phải liên hệ tìm kiếm việc làm hoặc dự phỏng vấn chẳng hạn. Sự việc sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết rằng, nhà tuyển dụng (theo quan điểm người chủ ) cũng rất cần những người làm được việc, vấn đề chỉ là: Bạn có giới thiệu được mình hay không, có tạo được cơ hội để thành công hay không?

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, thành công không chỉ dựa vào tài năng, có rất nhiều người tài năng đang phải chịu cảnh thất bại. Muốn thành công cũng cần phải có lòng hăng hái, trong đó, tự tin giao tiếp tạo cơ hội thành công là một trong những yêu cầu trước tiên để có thể thành công trong xã hội.

Lòng hăng hái trong tự tin giao tiếp để tạo cơ hội thành công gồm có những gì?

Lòng nhiệt tình: Không cần thiết phải nói năng văn hoa cầu kỳ, bạn chỉ cần phải nói ra cái gì đó và tiếp theo, mọi chuyện sẽ càng trở nên dễ dàng hơn, hãy có lòng nhiệt tình và sự sẵn sàng chia sẽ thế là đủ cho sự giao tiếp thành công.

Lắng nghe cẩn thận: Lắng nghe cẩn thận, bạn sẽ trở thành người giao tiếp giỏi và trước hết là tránh khỏi sa chân vào sự ngạo mạn, bất cẩn. Bạn nên ghi nhớ rằng: Những gì bạn nói sẽ không dạy thêm cho bạn được gì! Nếu muốn học, bạn hãy thực hiện điều này bằng cách lắng nghe với tất cả mọi người. (Nhiều người, với nhiều hoàn cảnh sống khác với bạn đều sẽ ít nhiều giúp bạn có thêm kinh nghiệm sống mà không có một chương trình giáo dục hoặc sách vở nào có thể giúp bạn tốt hơn). Vậy hãy lắng nghe, chân thành lắng nghe.

Sự đồng cảm: Cho dù bạn đang nói chuyện với ai, thì đó cũng chỉ là quá trình tạo một quan hệ. Vì thế, bạn nên cởi mở và thành thật nếu muốn nhận được sự đồng cảm. Hãy giữ cho mọi việc thật nhẹ nhàng, đừng bao giờ quá nghiêm túc hoặc căng thẳng và cũng không nên quá kéo dài câu chuyện sinh ra nhàm chán.

Khôn ngoan, biết để ý đến những chuyện nhỏ: Đừng xem thường những chuyện nhỏ, “muốn giữ rừng thì phải chú ý đến cây”. Đừng coi thường những người chức vụ thấp bé, muốn vượt qua rào chắn tiếp tân , thư ký, bảo vệ…để gặp lãnh đạo cấp cao chẳng hạn, thì trước tiên bạn cần phải có sự giao tiếp tốt với họ một cách “lịch sự và khôn ngoan”. Vì có thể, “bạn cần phải thân thiết với nhiều con cóc trước khi tìm thấy hoàng tử cóc” (Malcolm-Hornby).

Tóm lại, nếu có lòng nhiệt tình, biết lắng nghe cẩn thận, có thể bày tỏ sự đồng càm và biết để ý đến những chuyện nhỏ là điều ai cũng có thể làm được và nên làm. Những người như thế thường là những người rất dễ đạt được thành công, có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn, có thể làm được những điều tuyệt vời hơn trong đời.

Chúc bạn có nhiều thành công trong cuộc sống.

Tổng hợp: Nhật Quang. (Hieuhoc.com)